Trong khi từ tháng 3/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định uỷ quyền cho chủ tịch các quận, TP Thủ Đức trong quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư với các dự án nhóm C. Việc mỗi công đoạn phải mất cả tháng trời mới chuyển tiếp, chưa kể không tận dụng tính năng ủy quyền, tức UBND TP nên phân cấp, ủy quyền cho Sở KH&ĐT điều hoà vốn mà không cần trình qua UBND TP khiến tiến độ luôn trễ nãi. Hoặc, trong cùng quy trình thực hiện nhưng cách áp dụng lại thiếu đồng bộ, trong khi Sở GTVT đã dừng tiếp nhận các dự án nhóm C của các địa phương nhưng Sở Xây dựng vẫn tiếp nhận và thẩm định hồ sơ.

Trên đây là ví dụ được chính Chủ tịch UBND Q. Phú Nhuận nêu ra tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP.HCM với UBND quận Phú Nhuận về triển khai nhiệm vụ năm 2024 và giải quyết kiến nghị của địa phương này. Và điều này cũng giúp lý giải phần nào vì sao trong nhiều năm qua, ở các bảng xếp hạng cạnh tranh năng lực quản trị, cải cách hành chính của TP.HCM vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 (PAPI 2023) do Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố ngày 02/04 vừa qua cho thấy, dù TP.HCM đã vươn lên 7 bậc so với năm 2022 (từ 42/63 tỉnh thành lên 36/63) song cùng với Hà Nội, thành phố có chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công thấp hơn mức chỉ số PAPI trung bình của cả nước, ở mức lần lượt là 43,9603 (Hà Nội) và 41,7754 (TP.HCM).

Ở thứ hạng 36/63 tỉnh thành nên sẽ không khó hình dung 8 chỉ số nội dung, TP.HCM đều chỉ đạt ở mức từ trung bình thấp (Chỉ số Kiểm soát tham nhũng khu vực công, Cung ứng dịch vụ công, Quản trị môi trường) đến trung bình cao (Chỉ số Công khai minh bạch, Quản trị điện tử), dù ở nhiều chỉ số thành phần thành phố đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022 và tổng chỉ số đã tiệm cận mức xếp hạng trước đại dịch (PAPI 2019 TP.HCM xếp hạng 31/63).

Thứ hạng này đồng bộ với một số chỉ số trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo) vừa được Bộ Khoa học -Công nghệ công bố. Trong đó, chỉ số Quản trị điện tử xếp thứ 12/63 (so với 8/63 của PAPI 2023), Quản trị môi trường cũng nằm trong nhóm cuối bảng của PII.

Riêng ở chỉ số Quản trị điện tử đã bộc lộ khoảng cách lớn giữa tỷ lệ người dân sử dụng internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, vốn đã tồn tại từ 3 năm nay. Điều này phản ánh nhu cầu, sở thích, lựa chọn rất nhạy bén của người dân với các phương tiện điện tử - công nghệ nhưng trách nhiệm cung cấp một “cổng” dịch vụ công trực tuyến từ phía chính quyền lại chưa thể tương xứng. Cũng là một thiệt thòi từ cả hai phía khi nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền tiếp cận, tiếp nhận thông tin chưa được đảm bảo, dễ dẫn tới những tác động ngoài ý muốn khác.

Có một điểm sáng cần ghi nhận là chỉ số Kiểm soát tham nhũng khu vực công trong đánh giá của người dân có tăng lên, ở cả cấp độ quốc gia cũng như TP.HCM. Điều này đồng nghĩa với niềm tin, sự ghi nhận của người dân dành cho công cuộc phòng, chống tham nhũng. Dù vậy, các biểu hiện tham nhũng “vặt” vẫn hoành hành như phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan Nhà nước vẫn ở mức cao; người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính quyền địa phương nhận “chung chi” để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập; và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công…

Trách nhiệm giải trình trước nhân dân phần nào đã được quan tâm hơn, trong đó đặc biệt là sự cải thiện đáng ghi nhận ở chỉ số giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân. Cũng như các chỉ số thành phần về giáo dục tiểu học công lập và cơ sở hạ tầng đều có bước tăng, phản ánh đúng nỗ lực của chính quyền trong việc chăm lo trực tiếp, hỗ trợ kịp thời đối tượng thụ hưởng là phụ huynh, học sinh; là người già, trẻ em; là tháo gỡ nhiều dự án cầu đường dân sinh bị treo trong nhiều năm qua…

Có lẽ, những chính sách dân sinh và an sinh cụ thể, thiết thực nói trên cộng với thị trường lao động được phục hồi nhẹ, nhu cầu việc làm mới tiếp tục được mở rộng nên trong bảng xếp hạng PAPI 2023, vị trí dẫn đầu duy nhất của TP.HCM lại thuộc về lựa chọn của người dân là nơi muốn được chuyển đến sinh sống nhiều nhất. Bởi, suy cho cùng thì như người dân đã bày tỏ sự quan tâm lớn nhất trong năm qua (và có thể nhiều năm tới nữa) là đói nghèo (22.39%), việc làm (12.79%), tăng trưởng kinh tế (9.2%). Tương ứng với động lực là đoàn tụ gia đình (40.68%), có việc làm tốt hơn (21.8%), môi trường tự nhiên tốt hơn (17.4%).

Cùng thời gian công bố PAPI 2023 là phiên họp về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý 1/2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024. Tại đây, dù GRDP quý 1/2024 ước đạt 406,345 tỉ đồng (theo giá hiện hành), tăng 6.54% so với cùng kỳ nhưng Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã tỏ rõ sự cẩn trọng và tỉnh táo khi cho rằng “những tác động khó khăn bên ngoài và những tồn tại bên trong trên chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi đó, vấn đề mới lại phát sinh".

Mà một trong những “tồn tại bên trong” ấy chính là các chỉ số vẫn dậm chân, sút giảm trong PAPI 2023!

Quốc Học

FILI